Báo...chuối

Không ngày nào mà tôi không đọc báo. Sáng là đọc Tuổi Trẻ, online thì đọc VnExpress, rồi Thanh Niên hay mấy tờ nước ngoài như BBC, CNN...Đọc riết thấy báo của VN mình càng lúc càng tệ, tin tức không nhiều, bình luận không sâu sắc còn có thể thông cảm được, nhưng mà tràn ngập PR ngu xuẩn là chuyện không thể chấp nhận được. Tôi trả tiền và bỏ thời gian để đọc tin tức và bình luận, chứ không phải để xem những mẩu quảng cáo dốt đặc và vô trách nhiệm.

Thuộc hàng đại trơ trẽn trong lĩnh vực PR chắc hẳn là thằng Thanh Niên. Ví dụ như hôm nay Thanh Niên có đăng bài Xu hướng trở thành ngân hàng bán lẻ. Do làm trong lĩnh vực ngân hàng, nên tôi cũng tranh thủ đọc thử xem nó nói về các ngân hàng thế nào. Rốt cuộc từ đầu đến cuối, chỉ chăm chăm Sacombank. Mù cũng biết bài này là sản phẩm sau khi các bác PR bên Sacombank đã nhét vài triệu vào mồm của tay phóng viên Nam Bình. Mẹ kiếp, nó cứ ghi là Sacombank: ngân hàng bán lẻ đi, để tôi khỏi phải hi vọng vào một bài phân tích có giá trị.

Một ví dụ khác về sự lố bịch của Thanh Niên là bài,
123mua! xếp hạng 2 trong các website thương mại điện tử uy tín năm 2007. Đọc cái tựa thôi là tôi thấy kỳ rồi, sao không nói về thằng hạng nhất, mà lại giới thiệu thằng hạng hai chi trời? Từ đầu bài đến cuối bài, toàn 123Mua!, tuyệt nhiên chẳng có bất kỳ thông tin nào về thằng đứng đầu. Haha tôi nghĩ, chắc thằng đứng đầu nó lo chạy PR ở báo khác rồi. Dẫu sao thì bài này nó còn đỡ, bởi nó lộ liễu hơn, chẳng phải lừa đảo như bài ở trên.

Không chỉ hai cái bài này, còn rất nhiều bài khác, mà đặc biệt là các bài trong mục CNTT của Thanh Niên, 10 bài hết 6-7 bài là rặt PR, chẳng mang lại chút thông tin hay bình luận gì cả. Mai mốt thất nghiệp, chắc xin vào làm phóng viên CNTT của Thanh Niên quá, vừa giàu sụ mà lại thảnh thơi nữa, cứ mỗi ngày nhét vào mồm vài triệu, rồi chờ cho đám PR nó ị ra một hai bài viết, gửi lên báo lấy thêm nhuận bút.

Anh Tuổi Trẻ thì ít, nhưng mà không phải là không có. Ví dụ như hôm rồi, có bài Bùng nổ cỗ máy tìm kiếm tiếng Việt, rõ ràng là quảng cáo cho thằng Monova - Ma Nó Vô. Chị bạn PV ở Tuổi Trẻ có hỏi ý tôi về thằng Monova này và tôi cũng đã nói rõ là nó chỉ dừng lại ở mức sử dụng lại Google mà thôi. Chị bạn đã không viết (đó mới là nhà báo chân chính, cảm ơn những người như chị), nhưng rốt cuộc có một tay PV khác viết, và rồi được đăng.

Ngay sau đó, một loạt các tờ báo khác, tiếp tục đăng tải các bài viết hình ảnh về Monova, với những lời lẽ kiểu như, "cạnh tranh với Google là điều không thể tránh khỏi", "thắng Google trên sân nhà" blah blah blah...Má ơi, không biết khi nhận đăng những bài như thế, mấy tay nhà báo có thử tìm hiểu xem thằng Monova nó hoạt động thế nào không?

Từng anh dốt và vô trách nhiệm chưa đã, đồng loạt các báo VN vẫn thường hay tự sướng tập thể (do copy bài lẫn nhau mà).

Chẳng hạn như đồng loạt các báo đưa tin, robot Việt hạ người chơi bóng bàn, mặc dầu sự thật là con robot này đánh trật nhiều hơn đánh trúng.

Rồi như mới đây, đồng loạt các báo lại đưa tin, Nguyễn Minh Trí: gương mặt doanh nhân trẻ xuất sắc nhất Châu Á. Mới đầu đọc tin này, tôi thấy bất ngờ và tin sái cổ. Nhưng rốt cuộc đọc kỹ lại, thì thấy rằng:

Theo thông lệ hằng năm, tạp chí BusinessWeek sẽ chọn ra 25 gương mặt doanh nhân trẻ xuất sắc nhất, sau đó tiến hành lấy ý kiến qua website điện tử của mình. Kết quả này được công bố vào ngày 2-1, sau hơn một tháng lấy ý kiến độc giả. Đây là lần đầu tiên vị trí số 1 của cuộc bình chọn doanh nhân trẻ xuất sắc nhất châu Á thuộc về đại diện của VN.

Tôi nhớ không lầm thì cách đây 1-2 năm, cũng có một ông "doanh nhân trẻ" nào đó của VN lọt vào cái top 25 này. Vấn đề cốt lõi là, thường người ta chỉ biết đến các ông này khi ông lọt vào danh sách, còn trước đó, chẳng ai biết các ông là ai. Nếu các ông có thực tài, đang sống và làm việc ở VN, thì có cần phải đợi một tạp chí nước ngoài vinh danh mới được người trong nước biết đến?

Tôi không biết cái tập chí Business Week này dựa vào đâu để chọn ra top 25 người ban đầu, nhưng tìm hiểu kỹ hơn một chút, tôi thấy cái vụ lấy ý kiến này khá khả nghi. Rốt cuộc thì ông "doanh nhân trẻ" này đã vận động người khác bầu chọn cho mình. Như vậy vẫn chưa có gì chắc chắn ông "doanh nhân trẻ" này có thực tài hay không. Riêng tôi thì rất nghi ngờ vào sự trung thực cũng như bản tính "đánh lận con đen" của ông này.

Tại sao những chuyện đơn giản như thế mà các tay nhà báo không phát hiện ra? Phải chăng là do tiền, thói quen sính ngoại (hay hội chứng nhược tiểu) và sở thích tự sướng?

Để trả lời những thắc mắc này, tôi làm một thí nghiệm nho nhỏ. Trong danh sách 25 người của Business Week, tôi lấy ra thông tin của 4 người đứng đầu, và thử tìm trên Google xem có bao nhiêu tin tức về việc họ đoạt giải.

Với mỗi người, tôi sử dụng keyword là họ tên + cụm từ "Business Week", thực hiện 2 query, với query đầu search trên toàn Internet, còn query thứ 2 chỉ search những website xuất phát từ quốc gia tương ứng của họ. Không quá bất ngờ, kết quả như sau:

Nguyễn Minh Trí - Việt Nam

- Query 1: 13.100 kết quả.

- Query 2: 643 kết quả.

Saloni Malhotra - Ấn Độ

- Query 1: 260 kết quả.

- Query 2: 2 kết quả.

Ari Sudradjat - Indonesia

- Query 1: 159 kết quả.

- Query 2: 0 kết quả.

Leon Ho - HongKong

- Query 1: 2400 kết quả.

- Query 2: 1 kết quả.

Tôi nghĩ những con số này đủ chứng minh kết luận của tôi về báo chí VN là hoàn toàn có cơ sở. Đúng là báo chuối!

Comments

Anonymous said…
kool, bài này ok, cho xin cái license copy về blog
Anonymous said…
Đồng ý là đa số báo VN đều là "lá cải", nhưng tôi khuyên bạn không nên viết "thằng Thanh Niên". Thứ nhất, "Thanh Niên" ở đây là 1 tờ báo, không phải là 1 con người, không dùng được đại từ nhân xưng "thằng" ở đây được. Đây là Cơ bản ngữ pháp tiếng Việt.

Thứ hai, cho dù "Thanh Niên" là 1 con người, thì càng không nên gọi là "thằng" trên Blog. Văn viết của người biết tự trọng trước công chúng (public) không có từ đó !!!

Nên cố gắng phân biệt "văn nói" và "văn viết". Bạn đang phê phán các báo "lá cải" với các từ ngữ "chợ búa" đấy :)
Anonymous said…
B đang nhầm Blog với 1 trang báo? Nếu vậy để mình nhắc lại
"Publish your passions, your way
Create a unique and beautiful blog. It’s easy and free."
Cơ bản ngữ pháp tiếng Việt vẫn có nhân hóa, phiếm chỉ bạn ơi :)
Một ví dụ rất cơ bản về tiếng Việt để bạn ôn lại bài:
Hôm sau ông giáo qua nhà lão Hạc chơi, vừa thấy ông, lão Hạc báo ngay: "Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ".
Lão Hạc- Nam Cao